Ngày 15 tháng 7 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là:
- Cải cách thể chế
- Cải cách thủ tục hành chính
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài chính công
- Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Cải cách thể chế: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
Cải cách thủ tục hành chính: Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cải cách chế độ công vụ: Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Cải cách tài chính công: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Triển khai Nghị quyết trên, UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc ban hành văn bản thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 định hướng 2030. Trong đó áp dụng Hệ thống ISO điện tử là một phần của Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Cụ thể điển hình tại kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2012 - 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có quy định “Tăng cường công tác kiểm tra xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính; ưu tiên triển khai ISO điện tử”.
Hay như quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra “Triển khai xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trên môi trường mạng vào hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh”.
Và rất nhiều tỉnh, thành phố đã và chuẩn bị ban hành kế hoạch cải cách hành chính 2021 - 2030 với triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống ISO điện tử là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn đến. Và giải pháp ISO điện tử là một cấu phần của triển khai chuyển đổi số của Việt Nam định hướng đến năm 2030.
Để tìm hiểu thêm về ISO điện tử, vui lòng tham khảo các bài viết sau:
- Hệ thống ISO điện tử đối với cơ quan hành chính nhà nước
- Triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống ISO điện tử vào cơ quan hành chính nhà nước
- Mô hình Hệ thống ISO điện tử áp dụng tại cơ quan hành chính nhà nước
- Khác biệt giữa áp dụng ISO truyền thống và ISO điện tử
- Tìm hiểu Phần mềm ISO điện tử
Và còn rất nhiều bài viết khác tại website này.
Lê Duy