ISO 9001 là một phần của Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 - một bộ tiêu chuẩn quốc tế được ban hành bởi Tổ chức ISO với mục tiêu giúp các tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý hệ thống chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp đến khách hàng. Trong đó, Hệ thống quản lý chất lượng - các yêu cầu ISO 9001 được xem là tiêu chuẩn trung tâm của Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng cho các doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền.
Hệ thống ISO điện tử đối với cơ quản quản lý nhà nước
Ở Việt Nam, Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 bắt đầu được một số doanh nghiệp triển khai, áp dụng từ năm 1995 và đối với các cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu triển khai năm 2006 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Và tiếp sau là Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 và nay là Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn phù hợp. Việc ứng dụng HTQLCL trong hoạt động quản lý nhà nước phục vụ các tổ chức, cá nhân là cần thiết, có hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới, hỗ trợ đắc lực cho chương trình cải cách hành chính của Chính phủ.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ đã hướng đến việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số… Đặc biệt, trong Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng nêu rõ, phải gắn chặt CNTT với hoàn thiện chính sách và thực tiễn hành chính, các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; triển khai và kết hợp CNTT ứng dụng với Hệ thống quản lý chất lượng (gọi tắt là Hệ thống ISO điện tử) nhằm tiếp tục cải cách nền hành chính và hệ thống hóa quy trình xử lý công việc hợp lý, khoa học, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn và quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công.
Lợi ích của Hệ thống ISO điện tử
Hệ thống ISO điện tử (còn được gọi là phần mềm ISO hoặc phần mềm ISO điện tử) được triển khai áp dụng vào cơ quan hành chính nhà nước đem lại các lợi ích sau:
- Cung cấp môi trường trao đổi và cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi giữa các thành viên trong cơ quan và cơ quan quản lý có thẩm quyền.
- Tài liệu, hồ sơ quá trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại cơ quan được lưu trữ, tra cứu nhanh chóng thuận lợi thông qua bộ lọc tìm kiếm.
- Tiết kiệm được chi phí in ấn giấy tờ nhờ việc số hóa các tài liệu, hồ sơ liên quan.
- Thao tác trên phần mềm ISO điện tử đơn giản, trực quan với các cửa sổ phù hợp với từng chức năng.
- Quá trình soạn thảo tài liệu, hồ sơ được hỗ trợ của phần mềm ISO điện tử và người dùng có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, phê duyệt trực tiếp trên phần mềm một cách nhanh chóng, thuận lợi.
- Đánh giá nội bộ, xem xét của lãnh đạo được thực hiện nhanh chóng qua các biểu mẫu, checklist phù hợp.
- Cơ quan quản lý cấp trên đánh giá theo bảng tiêu chí thiết lập sẵn và phản hồi nhanh chóng kết quả đến đơn vị.
- Triển khai công tác tư vấn HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 thông qua hệ thống phần mềm ISO trực tuyến giúp giảm thiểu thời gian và tiết kiệm chi phí.
Các lợi ích trên là cơ sở để áp dụng phần mềm ISO điện tử ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong định hướng cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Admin