Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chuyển đổi số tập trung vào:
- Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động
- Phát triển Kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
- Phát triển Xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Với từng chủ đề, Nhà nước đã đưa ra rất nhiều mục tiêu cần phải đạt được đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:
- Năm 2025 thì 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng và nâng lên tương ứng 100%, 90% và 70% với mục tiêu 2030
- Năm 2025 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý và nâng lên mức 70% năm 2030.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể đó là: Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Để triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai chương trình với các nhiệm vụ, giải pháp chi tiết để đạt được mục tiêu chung.
ISO điện tử là một bộ phận cấu thành của phát triển Chính phủ số với nhiệm vụ chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước giúp đơn vị thao tác nhanh chóng, hồ sơ được lưu dưới dạng file điện tử theo từng nội dung công việc giúp tra cứu nhanh chóng.
Xu hướng áp dụng Hệ thống ISO điện tử đã và đang được các cơ quan hành chính nhà nước lập kế hoạch và triển khai xây dựng và áp dụng ISO điện tử từ năm 2020 với kỳ vọng phần mềm ISO là một bộ phận cấu thành và đồng hành cùng Chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình tổng thể Cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 gắn kết mật thiết với Chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp đất nước phát triển bền vững hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.
Lê Duy